QĐND – Đã 72 tuổi, song hằng ngày cô giáo Lê Minh Ngọc vẫn tất bật lo toan, vun vén cho Quỹ học bổng Khuyến tài hay còn gọi là Quỹ học bổng “1&1”, để ngày càng có nhiều hơn nữa các em sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi thực hiện được ước mơ đến giảng đường đại học…
QĐND – Đã 72 tuổi, song hằng ngày cô giáo Lê Minh Ngọc vẫn tất bật lo toan, vun vén cho Quỹ học bổng Khuyến tài hay còn gọi là Quỹ học bổng “1&1”, để ngày càng có nhiều hơn nữa các em sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi thực hiện được ước mơ đến giảng đường đại học. Với sự cố gắng không mệt mỏi của cô giáo Ngọc trong suốt 14 năm qua, đã có 2.075 sinh viên được nhận học bổng “1&1” với tổng số tiền gần 16 tỷ đồng, đã có 1.056 sinh viên tốt nghiệp đại học, nhiều cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp ở vị trí thủ khoa, trong số đó có nhiều người thành tiến sĩ, thạc sĩ…
Mãi khắc ghi và làm theo lời Bác
Một sáng đầu tháng Tư, chúng tôi tìm đến nhà riêng của cô giáo Lê Minh Ngọc nằm trên đường Nguyễn Văn Đậu, phường 6, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh). Bên chiếc bàn tròn được kê trong phòng khách, Cô đang chuyện trò thân tình như má con với 2 chàng trai. Một người là Nguyễn Vũ Linh, được nhận học bổng “1&1” để theo học ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh từ năm 2002, từng làm việc cho một công ty nổi tiếng của Nhật, hiện đang là Giám đốc Công ty cổ phần Innotech Việt Nam. Chàng trai còn lại là Nguyễn Thanh Tuấn, cũng nhờ học bổng “1&1” mà đang được theo học Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Khi được hỏi về Quỹ học bổng “1&1”, cô giáo Ngọc chia sẻ: Sự chăm lo, gắng sức của mình vì Quỹ khuyến tài ngày nay, cũng như trước đó là những nỗ lực mạnh mẽ vì sự nghiệp trồng người trên cương vị là giảng viên, rồi nhà quản lý giáo dục, là nhờ tôi luôn nhớ nằm lòng những lời dạy ân cần của Bác Hồ cách đây đã 56 năm ròng…
Cô giáo Lê Minh Ngọc sinh năm 1943 tại Hóc Môn-Bà Điểm và lớn lên tại Sài Gòn. Cha của cô là ông Lê Lai, Đội trưởng Đội trừ gian thuộc Trung đoàn 312, đã anh dũng chiến đấu với giặc Pháp và hy sinh năm 1948. Năm 12 tuổi, cô Ngọc có mặt trên chuyến tàu công khai cuối cùng rời Sài Gòn hướng về miền Bắc. Cô được đưa về học tập tại Trường học sinh miền Nam số 6 ở Hải Phòng từ năm 1955 đến năm 1959, tiếp đó vào học cấp 3 tại trường miền Nam số 24.
“Ngay năm học đầu tiên của cấp 3, trong một buổi tập văn nghệ, anh Trần Chí Đáo, Bí thư Liên chi đoàn trường, tìm tôi và phấn khởi báo tin: Cô được lựa chọn về gặp Bác Hồ và Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-các-nô đang ở thăm Việt Nam. Ngày ấy đồng phục của học sinh là quần xanh, áo trắng. Chuẩn bị về gặp Bác Hồ, tôi được Thành đoàn TP Hải Phòng may cho váy xanh, áo trắng. Đoàn thiếu niên về gặp Bác Hồ và bác Xu-các-nô có 3 cháu: Một cháu ở Hà Nội, một cháu ở Quảng Ninh và một cháu từ miền Nam ra là tôi”-cô giáo Ngọc bồi hồi nhớ lại-Hôm vào gặp Bác Hồ và Tổng thống Xu-các-nô, Bác tươi cười bảo cháu nào là người miền Nam thì ngồi giữa hai Bác; hai cháu thiếu niên Hà Nội và Quảng Ninh ngồi hai bên, rồi Bác ân cần hỏi chuyện các cháu”.
Tối hôm đó, trong lúc xem văn nghệ, Bác lại gọi 3 cháu thiếu niên đến cho kẹo. Bác xoa đầu Ngọc và hỏi: “Cháu nhớ miền Nam, nhớ má lắm phải không? Càng nhớ thì càng phải học cho tốt, tu dưỡng thật tốt, để mai này về miền Nam phục vụ quê hương”.
Kể đến đây, cô giáo Lê Minh Ngọc bỗng nghẹn lời, mắt ngân ngấn nước.
Năm 1964 tốt nghiệp đại học sư phạm, cô về dạy tại Trường cấp 3 Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay thuộc Bắc Giang). Từ năm 1970 đến 1975, Cô về dạy học tại Trường Chu Văn An (Hà Nội). Tháng 2-1975, Cô được báo chuẩn bị đi B rồi sau đó về tiếp quản Sài Gòn, làm Phó hiệu trưởng-Bí thư Chi bộ Trường Chu Văn An (TP Hồ Chí Minh). Sau khi lần lượt trải qua các cương vị Trưởng phòng Giáo dục Bình Thạnh, rồi Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cô nghỉ hưu năm 2000. Trong suốt những năm học tập, công tác ở miền Bắc hay trở về làm việc ở miền Nam, cô giáo Lê Minh Ngọc luôn khắc ghi sâu sắc lời Bác Hồ dạy và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với nhiều người, nghỉ hưu là quãng thời gian an nhàn hưởng thụ để bù đắp lại những tháng năm vất vả, nhưng với cô Ngọc thì không. Cô đã chọn cho mình một cách làm riêng để thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ đã từng căn dặn…
Học bổng “1&1” và hơn thế nữa
Ngay sau khi nghỉ hưu, có khá nhiều trường đại học mời cô giáo Ngọc về làm việc. Thậm chí, với điều kiện kinh tế của gia đình, cô hoàn toàn có thể đứng ra thành lập một trường đại học. Nhưng cô đã nhận lời làm Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ Khuyến học, khuyến tài TP Hồ Chí Minh. Cô lý giải thật đơn giản về sự lựa chọn của mình: Đó là công việc giúp cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống có cơ hội vươn lên theo đuổi ước mơ vào đại học, lập thân lập nghiệp, để sau này các em có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Bữa liên hoan do đồng nghiệp và bạn bè tổ chức tiễn mình về hưu, cô giáo Ngọc đã đề nghị mọi người tham dự chỉ ăn gỏi cuốn và uống nước ngọt. Phần quà tặng cô của mọi người dồn lại được 49 triệu đồng cộng thêm 2 cây đàn organ, cô đã gửi toàn bộ cho các cháu trường mù của Thành phố. Sau này, khi làm ở Quỹ Khuyến học, cô nghĩ rằng nếu chỉ đi “xin rồi chia” thì chưa thực sự hiệu quả, mà phải làm cách nào đó để gắn kết ân tình, trách nhiệm giữa người cho và người nhận. Nghĩa là các em được nhận học bổng được tiếp xúc giao lưu với nhà hảo tâm, để các em được biết mình đang được tiền từ tấm lòng nhân nghĩa của ai hoặc doanh nghiệp nào, họ đã làm gì, làm ra sao? Để có hiệu quả, với cách làm mỗi nhà hảo tâm trực tiếp trao học bổng cho một học sinh và gắn bó suốt quá trình học đại học. Quỹ học bổng “1&1” đã ra đời từ ý tưởng trăn trở nung nấu đó.
Quỹ học bổng “1&1” trước đó gọi là “Học bổng Khuyến tài” của Hội Khuyến học TP Hồ Chí Minh. Trong năm đầu tiên (năm học 1999-2000), Quỹ học bổng “1&1” đã trao học bổng cho 5 sinh viên, mà người tài trợ cho các sinh viên này chính là gia đình cô giáo Lê Minh Ngọc và những bạn bè thân quen có điều kiện. Từ học bổng 1,2 triệu đồng/năm/sinh viên trong năm đầu tiên, đến năm học 2014-2015 nhiều ân nhân đã tăng mức học bổng cho sinh viên lên 3 triệu đồng/năm. Thậm chí có những ân nhân thấu hiểu nỗi vất vả và cảm động trước nỗ lực học tập của sinh viên, đã tăng học bổng lên 4 triệu, 5 triệu, 6 triệu, rồi 10 triệu đồng/năm.
Một điều đáng nói khác là hiện nay mô hình Quỹ học bổng Khuyến tài không chỉ dừng lại ở “1&1” (một ân nhân tài trợ một sinh viên), mà đã phát triển hơn nữa, thành “1&2”, “1&4”… thậm chí “1&20” (ân nhân là Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường Tita), hay “1&45” (ân nhân là Công ty JX Me Kong)…
Không phụ ân tình của “Má Ngọc”-cách gọi đầy kính yêu và trân trọng của nhiều sinh viên được nhận học bổng “1&1”-nhiều sinh viên đã phấn đấu hết mình và nhanh chóng trưởng thành, trong đó có những người đã có trình độ tiến sĩ. Nhiều người trong số sinh viên nhận được học bổng “1&1” lại tiếp tục xây dựng các quỹ học bổng khác để giúp các thế hệ tiếp sau có hoàn cảnh khó khăn như mình ngày trước, như “Học bổng rước bạn đi sau”, “Học bổng đồng hành”…
Học bổng từ những trái tim nhân hậu
Đây còn là một cách gọi khác về Quỹ học bổng “1&1”, và cụm từ cũng phản ánh phần nào nỗ lực, tình cảm, trách nhiệm của những người gắn bó với quỹ trong suốt 15 năm qua, đặc biệt là cô giáo Lê Minh Ngọc. Để có thể đồng hành với quỹ, thúc đẩy quỹ phát triển và không ngừng nâng cao số lượng sinh viên được thụ hưởng chính sách của quỹ, theo cô Ngọc, một trong những điều cốt yếu là cần phải có một trái tim nhân hậu với sinh viên nghèo học giỏi.
Hướng ánh mắt chứa chan tình thương về phía Nguyễn Vũ Linh, cô Ngọc tâm sự, Quỹ học bổng “1&1” không chỉ mang đến cho Linh sự nâng đỡ khát vọng học tập trưởng thành, mà còn là sự khởi đầu cho tình cảm tựa như tình mẫu tử giữa cô và Linh. Theo dõi sát sao Linh trong quá trình học tập, rồi dịp Linh lập gia đình, cô Ngọc cũng đến chia vui chúc mừng hạnh phúc, khiến chàng trai phải bật khóc vì xúc động. Cô Ngọc vui vì không chỉ riêng Linh, mà trong số hơn 2.000 sinh viên đã được nhận học bổng, có rất nhiều người đang duy trì sự liên hệ và tình cảm gắn bó đối với “má Ngọc”.
Theo cô giáo Ngọc, cái khó nhất trong những ngày đầu thành lập Quỹ học bổng “1&1” là làm thế nào giúp cộng đồng xã hội hiểu được ý nghĩa của quỹ và có niềm tin với quỹ. Vì theo cô, người tốt trong xã hội rất nhiều, trong số đó có nhiều người có điều kiện sẵn sàng giúp đỡ sinh viên nghèo, chỉ cần họ có “cầu nối” và biết được tác dụng của đồng tiền họ bỏ ra.
“Để xây dựng niềm tin đối với các nhà hảo tâm, mình phải minh bạch về hoạt động của quỹ. Danh sách ân nhân tặng học bổng cho sinh viên được lập đều đặn và tiếp nối ghi nhận trong suốt 15 năm qua, theo từng năm học. Hằng năm, quỹ mời từng ân nhân đến trao học bổng năm đầu tiên cho sinh viên; khi sinh viên tốt nghiệp quỹ lại mời ân nhân đến dự và nhận “Bảng ghi nhận tấm lòng vàng”-cô giáo Ngọc tâm sự.
Để lựa chọn được đúng đối tượng sinh viên nhận học bổng “1&1”, quỹ luôn bám sát tiêu chí các em phải có 3 năm THPT liên tục đạt học sinh giỏi, có hoàn cảnh khó khăn được địa phương xác nhận. Nguyễn Thanh Tuấn cũng là một trong những trường hợp như vậy. Mẹ mất khi Tuấn đang học lớp 9. Đến năm em học cấp 3 bố lại qua đời. Ba anh em Tuấn gắng gượng nuôi nhau ăn học và đều học giỏi (nhà có 6 người, 3 anh chị đã có gia đình riêng, còn 3 anh em ở chung, Tuấn là con út). Tuấn nhớ lại: “Tuy đã thi đỗ đại học nhưng em không dám tin là mình sẽ được nhập trường vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn”. Vậy nhưng, thầy Hiền, Chủ nhiệm lớp 12 của Tuấn đã đến quỹ trình bày hoàn cảnh của một gia đình có 3 anh em mồ côi hiếu học. Và thế là Quỹ học bổng “1&1” đã mở rộng trước mắt Tuấn cánh cửa giảng đường đại học.
Quỹ học bổng “1&1” vừa mang trong đó tình cảm của những người đang duy trì quỹ như bà Ngọc, vừa chứa đựng tình thương, trách nhiệm của các nhà hảo tâm với sinh viên nghèo hiếu học. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Thiếu tướng Nguyễn An vẫn dặn dò “Con nhớ mang tiền học bổng đến đưa cô Ngọc và trích 5 triệu tiền phúng điếu tặng Câu lạc bộ sinh viên nhận học bổng khuyến tài”. Hay cá nhân Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường Tita, ông Phan Quang Thịnh không chỉ tài trợ mỗi năm 10 suất học bổng (trong đó có một suất 10 triệu đồng/năm), mà còn tích cực động viên cán bộ, nhân viên trong công ty cùng tham gia ủng hộ quỹ…
Biết rằng đời người là hữu hạn, trong khi việc tốt, việc thiện thì cần phải nối dài, nên cô giáo Lê Minh Ngọc đang tiếp tục động viên các con bà cùng tham gia công việc mà mình tâm huyết trong suốt 15 năm qua, để ngày càng có nhiều hơn những sinh viên nghèo được hiện thực hóa ước mơ vượt lên số phận, đến với giảng đường đại học, tích lũy tri thức, tự tin vươn lên trong cuộc sống và cống hiến ngày càng nhiều cho đất nước.
Nguồn: http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-7-2015-2016/ma-ngoc-voi-quy-hoc-bong-1-1-259442